Căn cứ vào số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, cả thành phố chỉ có khoảng 70 cửa hàng kinh doanh thực phẩm, điểm bán rau an toàn được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, trên thực tế con số này đã lên tới hàng trăm cửa hàng cung cấp rau sạch.
Rau sạch là rau có sâu
Theo ghi nhận của phóng viên tại một cửa hàng bán rau sạch trên đường Phạm Ngọc Thạch (Hai Bà Trưng, Hà Nội), hầu hết các mặt hàng rau xanh được bày la liệt trên kệ đều bị sâu ăn lỗ chỗ. Kể cả những loại rau trái vụ như cải cay, cải thảo, cải bẹ cũng xuất hiện với chi chít dấu vết của sâu.
Khi được hỏi về vấn đề này, chủ cửa hàng khẳng định rằng: “Rau được trồng ở quê với quy trình an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu nên mới bị sâu ăn như thế chứ không như ở chợ, rau xanh non mơn mởn nhưng có khi lại ngậm đầy hóa chất…”
Theo chủ cửa hàng, rất nhiều vụ rau tẩm thuốc kích thích bị phanh phui, vì vậy nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân ngày càng tăng cao, thậm chí nhiều lúc không có đủ rau để cung cấp cho khách hàng. Vào thời gian cao điểm, mỗi ngày cửa hàng bán được 200 – 300kg rau củ quả các loại.
Giá của những loại rau này không hề rẻ, rau muống, rau cải, mồng tơi, đậu đũa, dưa chuột… có giá dao động từ 30 – 40 ngàn/kg. Nếu so với giá thị trường thì rau bán tại cửa hàng cao hơn từ 4 – 6 lần, thế nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận điều này để đảm bảo sức khỏe.
Nhiều người đang ngộ nhận, rau có sâu là rau sạch. Ảnh: Hải Đăng |
Ngoài ra, chủ cửa hàng này cho biết thêm, các mặt hàng rau sạch được trồng tại những vùng quê có khí hậu trong lành, không bị ô nhiễm. Mỗi địa phương sẽ cung cấp một số loại rau nhất định, tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Rau được những người nông dân trực tiếp chăm sóc theo công nghệ an toàn nên người tiêu dùng cứ yên tâm về mặt chất lượng. Thế nhưng, khi phóng viên đặt câu hỏi về việc làm thế nào để giám sát quá trình sản xuất, từ đó đi đến khẳng định rau tại cửa hàng là an toàn 100% thì người chủ cửa hàng lại không trả lời được.
Làm ”rau sâu” rất dễ
Trao đổi với phóng viên, anh Trần Xuân Duy (38 tuổi, Nam Định) một người chuyên trồng rau cung cấp cho thị thường nội tỉnh cho biết, có lẽ người Hà Nội họ thích ăn rau sâu vì họ nghĩ rau có sâu mới là rau sạch, quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Có rất nhiều cách trồng rau sạch mà không hề có một con sâu nào xuất hiện.
”Ở quê thì mùa nào thức ấy, rất hiếm khi trồng rau trái vụ. Bởi lẽ, nếu trồng đúng vụ, rau rất ít khi bị sâu, và nếu có sâu cũng chỉ là trường hợp hi hữu chứ không tới mức sâu đục lỗ chỗ. Rau trồng trái vụ thứ nhất là không hợp với tiết trời nên ăn sẽ không ngon, thứ 2 rau trái vụ năng suất rất thấp và thường xuyên bị sâu bệnh phá hoại. Khi bị sâu bệnh thì việc dùng thuốc trừ sâu là không thể tránh khỏi.
Thuốc trừ sâu cũng có dăm bảy loại, nếu thực sự là rau an toàn thì họ sẽ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Với loại thuốc này sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà vẫn đảm bảo hiệu quả diệt trừ sâu bệnh hại rau màu. Chính vì thế, rau sạch không có nghĩa là phải có sâu và ngược lại.” anh Duy cho hay.
Giá những loại rau này thường đắt gấp nhiều lần giá thị trường. Ảnh: Hải Đăng |
Theo anh Duy, một khi đã bị sâu tàn phá mà không có biện pháp đặc trị thì chắc chắn năng suất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là mất trắng. Tuy nhiên vẫn có cách để vừa đảm bảo được năng suất mà vừa có thể có ”rau sâu” để phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
”Nếu muốn có rau sâu mà không ảnh hưởng tới năng suất, người trồng rau vẫn sẽ chăm sóc theo cách mà người ta vẫn hay dùng đó là sử dụng thuốc trừ sâu. Đến lúc cây trồng sắp được thu hoạch, người ta sẽ ngưng sử dụng thuốc trước 1 tuần, khi ấy rau lại có sâu như bình thường, còn dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì không biết có còn không…
Nhiều người còn tinh vi tới mức sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng cho tới cận kề ngày thu hoạch, sau đó sẽ thả bọ nhảy vào ruộng rau. Như vậy chỉ sau 1 đêm, rau sẽ bị đục chi chít trong khi đó bẩn vẫn hoàn rau bẩn, người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Chính vì điều này mà nhiều cửa hàng đã đánh vào tâm lý người tiêu dùng, thích rau bị sâu ăn sẽ chứng tỏ được độ sạch. Ngoài những cửa hàng đã có giấy chứng nhận, giấy kiểm định chất lượng thì bên cạnh đó vẫn có nhiều cửa hàng tận dụng điểm yếu này của người tiêu dùng để trục lợi.”
Hải Đăng – Theo Đất Việt